Trung thu, dắt trẻ về một miền ký ức

Ngày đăng: Sep 17, 2015 1:2:33 PM

NGOÀI GIỜ LÊN LỚP, NHÀ PHÊ BÌNH MỸ THUẬT TRANG THANH HIỀN (GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT VIỆT NAM) NHỮNG NGÀY NÀY TÍU TÍT VỚI DỰ ÁN “CÙNG SÁNG TẠO MẶT NẠ VIỆT, VUI TẾT TRUNG THU” CÙNG ĐỒNG NGHIỆP, BẠN BÈ VÀ SINH VIÊN CỦA MÌNH. KHÔNG CHỈ LÀ SỰ KIỆN “DẠY” TRẺ EM CÁCH LÀM NHỮNG CHIẾC MẶT NẠ GIẤY BỒI, DỰ ÁN CÒN KỲ VỌNG “NÍU GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG ĐANG DẦN ĐỨT GÃY TRONG DÒNG CHẢY VĂN HÓA VIỆT”, NHƯ CÁCH NÓI CỦA CHỊ.

Đỗ Đắc Duy - Học sinh lớp 2A3 Trường tiểu học Đại Mỗ (Hà Nội) say sưa tô mầu cho mặt nạ.

Khoảng trống giá trị dân gian trong đời sống đương đại

- Có nhiều thứ để bắt đầu, vì sao chị lại chọn mặt nạ giấy bồi?

- Năm ngoái, tại lớp dạy vẽ ở nhà, tôi đã cho các em thử làm mặt nạ bằng bìa, sau đó tặng một số em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Được chừng năm chục chiếc, nhưng hiệu ứng rất tốt. Bản thân tôi cũng cảm thấy thú vị, câu chuyện bắt đầu từ đó. Tôi nhớ lại tuổi thơ, nhớ những tháng ngày lang thang trong miền cổ tích với những đồ chơi giản dị, nhưng chồng xếp trong đó là nhiều lớp giá trị của văn hóa, lịch sử. Rồi tôi tự hỏi, những đồ chơi đó vì sao đang dần vắng bóng, thậm chí biến mất trong dòng chảy văn hóa Việt? Thay thế là sự tràn ngập của những món đồ nhập ngoại, phổ biến là đồ chơi Trung Quốc, với mẫu mã, chủng loại phong phú, giá rẻ nhưng chất lượng và độ an toàn không được kiểm định. Tôi thấy ngậm ngùi, tiếc nuối và muốn làm một điều gì đó. Khi tôi bộc bạch ý tưởng này, có rất nhiều người ủng hộ. Và tôi chọn khởi đầu bằng những chiếc mặt nạ giấy bồi, những biểu tượng của văn hóa dân gian truyền thống mà chúng ta đã vô tình lãng quên, rồi dần đánh mất.

- Hành trình “níu giữ” đó đã diễn ra như thế nào?

- Chúng tôi khảo sát trên phố nghề Hàng Mã (Hà Nội), làng Hảo (Liêu Xá, Hưng Yên), gặp gỡ các nghệ nhân và tìm hiểu các công đoạn làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi. Sau đó, nhóm sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu đi quyên góp giấy, bìa và bồi thử những chiếc mặt nạ đầu tiên. Hiệu ứng ban đầu rất tích cực. Và điều quan trọng là tất cả đều cảm thấy thú vị.

Tìm về miền ký ức

- Bây giờ chắc chả còn mấy ai biết làm mặt nạ giấy bồi nữa, nếu không phải là các nghệ nhân làng nghề...

- Đúng vậy. Thực tế này cũng chính là động lực để chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án. Ngày trước, mỗi dịp trung thu, tụi trẻ con lại ngêu ngao câu hát đồng dao về cái Tết của chúng ở khắp thôn cùng ngõ hẻm. Nhịp trống, ánh lửa nến le lói từ những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn cá chép, đèn con thỏ, đèn con cóc… tạo nên một quang cảnh rộn ràng của đám rước rồng rắn lên mây. Những đứa trẻ hóa thân thành ông địa, thỏ ngọc, đội lốt đầu lân, đầu hổ, thành Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… Không biết từ bao giờ, mặt nạ giấy bồi đã được ra đời cho dịp Tết Trung thu ở làng quê Bắc Bộ.

Mặt nạ giấy bồi là loại đồ chơi kỳ công nhất. Xa xưa, việc làm mặt nạ hay các đồ chơi khác thường được bố mẹ, hoặc các bác nông dân khéo tay làm, hướng dẫn cho bọn trẻ trong làng cùng tham gia. Họ cũng kể cho chúng nghe những tích khác nhau về từng chiếc mặt nạ. Sau này, việc làm mặt nạ hay đồ chơi dân gian không còn duy trì ở từng gia đình mà được di chuyển về làng nghề, phố nghề. Việc làm mặt nạ bồi ở Hà Nội bây giờ chỉ còn vài nhà ở Hàng Lược, Hàng Mã. Làng Hảo ở Liêu Xá, Hưng Yên là nơi cung ứng sản phẩm này cho hầu hết các địa phương miền bắc.

Cuộc sống bận rộn ở đô thị cũng khiến cho những bậc cha mẹ thường chỉ qua loa mua cho con trẻ vài món quà, đồ chơi cho gọi là có Tết Trung thu. Nhiều người cũng không quan tâm đến nguồn gốc của những đồ chơi mang ý nghĩa biểu tượng của nền văn hóa nông nghiệp, thấy đồ Trung Quốc đẹp mắt, phong phú là mua. - Theo chị, sự “đứt gãy” trong mạch truyền thống này có nguyên nhân từ đâu?

Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương.

- Nói về đồ chơi dân gian truyền thống giống như tìm về một miền ký ức vậy. Sự đứt gãy mà chúng ta đang nói có nguyên nhân khách quan của nó. Văn hóa Việt Nam truyền thống phần lớn gắn với các nghi lễ nông nghiệp. Vụ trung thu là vụ nông nhàn, người nông dân bày cỗ cúng trăng, đoán định thời tiết, cầu mưa thuận gió hòa. Thời gian nông nhàn cũng được các gia đình tranh thủ làm mặt nạ và các đồ chơi dân gian khác cho trẻ con.

Sự thay đổi về xã hội hiện nay khiến cho nhiều nếp cũ đã thay đổi. Ở thành thị, hầu hết các gia đình đều bận rộn, và chính các bậc phụ huynh đã quên lãng, hoặc không hiểu ý nghĩa của những chiếc mặt nạ trung thu. Không còn thấy những đám rước rồng, múa lân trong thành phố; cơ hội trông trăng giữa lớp lớp những tòa nhà cao tầng cũng trở nên xa xỉ. Người ta chỉ hiểu là Tết Trung thu thì mua đồ chơi cho trẻ con, càng tiện lợi càng tốt.

- Dần dà, nhiều đứa trẻ thành phố chẳng thể phân biệt thế nào là mặt nạ Trung Quốc - mặt nạ Việt, đâu là đèn ông sao, đèn cù, đèn con cá nữa… - Quá khứ đó thật may mắn vẫn chưa trở thành hoài niệm, nhưng cũng đủ là thực trạng để thấy sự cần thiết phải khuấy động để văn hóa truyền thống có được vị trí nhất định trong đời sống đương đại. Tất nhiên, sự tồn tại của mỗi giá trị đều gắn với môi trường của nó. Xã hội biến đổi thì không thể đòi hỏi những món đồ chơi dân gian thịnh hành như thủa xa xưa được nữa. Đứa trẻ được dạy làm đèn cù, đèn ông sao... cũng chỉ có thể hiểu được rằng đã từng có những đồ chơi truyền thống như thế trong quá khứ, từ hiểu chúng sẽ yêu, sẽ thích. Tôi nghĩ, những chuyển động đó khả thi hơn là việc chăm chăm tìm cách bài trừ đồ chơi Trung Quốc.

Lan tỏa từ hiệu ứng xã hội

- Được biết, sự kiện này còn được gắn với nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện khác? - Dự án mỹ thuật sẽ khai mạc ngày 13-9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với sự tham gia của gần 300 em nhỏ. Kết thúc sự kiện, các em có thể mang mặt nạ do mình tự vẽ về để vui Trung thu. Số mặt nạ được nhóm thực hiện dự án chuẩn bị từ trước sẽ được bày bán tại sân Bảo tàng, số tiền thu được sẽ dành để ủng hộ xây dựng trường học, lập tủ sách ở Trường Tiểu học Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Đây là một ngôi trường còn nhiều khó khăn, thầy cô và học sinh đang hằng ngày phải nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để dạy và học.

Dự án còn thu hút sự tham gia của nhiều họa sĩ tên tuổi, họa sĩ trẻ như Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Trịnh Tuân, Lê Thông, Lê Huy Tiếp, Đỗ Hiệp, Trịnh Minh Tiến… Các họa sĩ tổ chức một triển lãm khoảng 20 tác phẩm mặt nạ để bán gây quỹ ủng hộ Trường Tiểu học Suối Bau. Hiện tại đã có nhiều họa sĩ gửi tác phẩm cho chúng tôi. Đó là những tác phẩm hội họa ấn tượng được thể hiện trên những khuôn mặt nạ giấy bồi.

- Dự án sẽ được tiếp tục ở những mùa trăng sau nữa chứ?

- Sau buổi ở Bảo tàng Mỹ thuật, tôi và họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ cùng chủ trì một hoạt động tương tự tại Không gian nghệ thuật Laca (Hà Nội). Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức hoạt động này định kỳ trong các năm sau.

Năm nay, sự kiện cũng có sự tham gia của nhiều CLB Mỹ thuật như Rail Bowl, Nghệ thuật Xanh, Art work, Art moon… thông qua các CLB này, tôi kỳ vọng sẽ tạo nên một mạng lưới về giáo dục mỹ thuật cho thiếu nhi. Hổng kiến thức mỹ thuật chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các em nhỏ thiếu những hiểu biết cơ bản về các biểu tượng, giá trị văn hóa truyền thống, trong đó bao hàm kiến thức về các đồ chơi dân gian mà chúng ta đang nói đến.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

THANH AN (thực hiện)

Nhà phân phối bánh trung thu Kinh Đô chiết khấu cao nhất, Giao hàng tận nơi, xuất hóa đơn nhanh. Liên hệ: 0943.821177

Bảng giá bánh trung thu Kinh Đô 2015