Tản mạn Tết Trung Thu Việt

Ngày đăng: Sep 11, 2015 1:9:9 PM

 

THỜI ĐIỂM TẾT TRUNG THU:

Trung = giữa; Thu = mùa thu. Trung thu có nghĩa là giữa mùa thu. Theo cách tính mùa của âm lịch thì một năm chia thành 4 mùa, mùa xuân gồm tháng giêng, tháng hai, tháng ba; mùa hạ gồm tháng tư, tháng năm; tháng sáu; mùa thu gồm tháng bảy, tháng tám, tháng chín; và mùa đông gồm tháng mười, tháng mười một, tháng chạp. Như vậy, tháng tám âm lịch chính là THÁNG GIỮA MÙA THU và này rằm – tức giữa tháng - chính là NGÀY GIỮA MÙA THU. Vậy, TẾT TRUNG THU LÀ NGÀY TẾT GIỮA MÙA THU. Các bạn đọc nhí chớ nên nhầm lẫn Trung Thu là Trung Nguyên. Tiết Trung Nguyên là vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, giữa Thượng Nguyên vào ngày rằm tháng giêng và Hạ Nguyên vào ngày rằm tháng mười. Nhiều người vẫn gọi là Tết Thượng Nguơn, Tết Trung Nguơn và Tết Hạ Nguơn. (Chữ cổ: Nguơn = Nguyên).

Ngoài Trung Hoa và Việt Nam, nhiều quốc gia Á Đông khác đều có ngày lễ tương tự như Tết Trung Thu này, tuy mỗi quốc gia có phong tục mừng ngày vui trung thu một cách rất khác nhau. Ví dụ ở Triều Tiên là Lễ Tạ Ơn Chusok, ở Nhật Bản là Hội Zyuyoga…

 

NGUỒN GỐC TẾT TRUNG THU:

Đa số tài liệu vẫn cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ Trung Hoa. Có nhiều sự tích được truyền tụng về nguồn gốc của Tết Trung Thu, nhưng câu chuyện Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện sau đây có lẽ được nhiều người biết nhất.

Đời nhà Đường thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh bên Trung Hoa, Đường Minh Hoàng (713 Đường Minh Hoàng – 741 TL) thương nhớ Dương Quí Phi đã qua đời, thơ thẩn dạo chơi vườn Ngự Uyển, nhân gặp đêm rằm tháng tám trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây, say cảnh đẹp của đất trời, vua xa bước dạo chơi ngoài thành mãi đến lúc canh khuya… Nhìn lên mặt trăng to tròn vành vạnh, vua mê say ngắm trăng, rồi buột miệng ước ao được lên thăm mặt trăng một chuyến. Tình cờ một Tiên ông (có chỗ nói là Đạo Sĩ La Công Viễn; có chỗ lại nói là Pháp Sư Diệu Pháp Thiện) nghe thấy, bèn hóa phép giúp vua, dùng chiếc gậy trúc vẽ lên bầu trời biến thành một chiếc cầu vồng nối liền từ mặt đất đến mặt trăng đưa vua lên đó. Ở cung Trăng, được gặp các Tiên Nữ sắc nước hương trời, xiêm y rực rỡ, lại được xem họ hát múa “Tây Thiên Điệu Khúc”. Trong số Tiên Nữ đang múa hát, vua nhìn thấy cả hình ảnh Dương Quý Phi. Trở về trần thế, vua ngày đêm luyến tiếc cảnh tượng trên cung Quảng trong lần du Nguyệt điện, lại thêm thương nhớ Dương Quí Phi, vua hồi tưởng lại khúc “Tây Thiên”, đem hợp thêm với “Khúc Hát Bà La Môn” do Trương Kính Thuật – Tiết Độ Sứ Tây Lương – vừa triều tiến, tạo nên “Khúc Nghê Thường Vũ Y” (nghê là cầu vồng, thường là xiêm váy) rồi truyền mở tiệc cho cung nữ múa hát. Và để kỷ niệm dịp được đi thăm cung Trăng lần ấy, vua đặt lệ ngày rằm tháng tám mỗi năm là ngày Tết Trung Thu để thần dân bá tánh cùng được vui chơi, uống rượu thưởng trăng (ngắm trăng). Do vậy, ngày tết này còn được gọi là Tết Trông Trăng.

Một sự tích khác giải thích nguồn gốc Tết Trung Thu cho rằng: Tết Trung Thu bắt nguồn từ lễ tạ Trời Đất của vua Hán Quang Vũ – thời Tây Hán - sau khi diệt được phản thần Vương Mãng, bình định đất nước, khôi phục nhà Hán vào năm 25 sau Tây Lịch. Chuyện kể trong lúc chinh chiến, khi bị quân Vương Mãng vây khốn nhiều ngày, hết lương thực, tướng sĩ của Lưu Tú nhờ tìm được khoai môn và bưởi để ăn mà không bị chết đói, nên về sau khi Lưu Tú dẹp được giặc, lên ngôi vua lấy hiệu Quang Võ (tức Hán Quang Vũ), vua đã tổ chức lễ tạ ơn mỗi năm vào ngày ấy và trong số phẩm vật cúng lễ luôn phải có khoai môn và bưởi. Tết Trung Thu về sau người ta thường sắm sửa hai thức ấy là do tích này.

Rồi dần dần Tết Trung Thu thành ngày lễ lớn ở Trung Hoa. Dịp này thường trùng với lúc gặt lúa vừa xong thành ra cũng là dịp mừng vui của các nông gia. Sau một nông vụ cực nhọc vất vả, đây là lúc rãnh tay nghĩ ngơi, bày biện lễ vật tạ ơn Trời Phật, Thần Tiên…

 

 

Thế nhưng cũng có nhiều người không đồng tình với nguồn gốc ngày Tết Trung Thu của Việt Nam theo cách giải thích trên, lập luận đưa ra là:

Theo các nhà khảo cổ học, thì Tết Trung Thu ở Việt Nam vốn có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (chứng tỏ sự sự ra đời và gắn bó của Tết Trung thu với người Việt đã có ít nhất 2500 năm). Còn theo các văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Và theo sách “Tang Thương Ngẫu Lục” miêu tả thì: “đến đời Lê – Trịnh, Tết Trung Thu đã được tổ chức rất xa hoa trong phủ Chúa”. Ngay cả sách “Thái Bình Hoàn Vũ Ký” của người Trung Hoa cũng chép: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Đây chính là hội rằm tháng tám của dân tộc Việt, vì:

Văn minh của dân tộc Việt là văn minh lúa nước. Giữa mùa thu (giữa tháng 8 âm lịch) khí trời mát mẻ, dễ chịu, lại vừa mới thu hoạch xong vụ mùa. Gặp lúc nông nhàn này những cư dân nông nghiệp mới tụ họp nhau lại để trước hết là “chơi trăng”, sau là tổ chức những trò vui bình dị nhằm giải trí vui chơi, nghĩ ngơi sau một vụ mùa làm lụng vất vả. Từ nền tảng kinh tế và sinh hoạt nông nghiệp đó đã hình thành nên hội rằm tháng tám (hay Tết Trung Thu). Ngoài ra, sự gắn bó mật thiết giữa văn minh nông nghiệp lúa nước với mặt trăng cũng có thể chứng minh qua quan niệm nhìn trăng trung thu để tiên đoán thời tiết và kết quả mùa màng. Người Việt xưa tin chắc rằng, vào đêm trăng rằm tháng tám, nếu màu trăng vàng thì năm tới sẽ được mùa; trăng màu xanh thì đất nước có thiên tai; trăng màu hồng cam thì đất nước yên ổn thanh bình. Điều này cũng dễ dàng tìm thấy trong ca dao, dân ca truyền khẩu của dân tộc Việt:

“Muốn ăn lúa tháng năm,

Trông trăng rằm tháng tám”.

“Tỏ trăng mười bốn được tằm,

Đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.

Lý giải trên tương tự cách giải thích của người Triều Tiên về lễ Tạ Ơn Chuseok: [Tục ngữ Triều Tiên có câu: "Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8" để ám chỉ vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn với mùa màng, nhưng đến tháng 8, khi việc đồng áng trong một năm đã dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên"]. Còn việc sách chép: trong ngày hội, “trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau” cho thấy rằng mùa thu tháng tám là mùa giao duyên, kết hôn của dân Việt, và cũng rất giống cách giải thích ý nghĩa trò chơi ganggangsulae trong lễ hội Chuseok: [Trong xã hội nông nghiệp, trăng rằm là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, rất tương đồng với chức năng và biểu tượng sinh sản, gieo mầm và phát triển sự sống của người phụ nữ. Bởi thế, ngày mãn nguyệt (ngày trăng tròn) còn được ví như người phụ nữ đến kỳ “khai hoa nở nhụy”. Trò chơi ganggangsulae trong ngày rằm là sự thăng hoa, là bài ca về cái đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ"].

Hơn nữa, người Trung Hoa với nền tảng văn hóa là văn minh du mục và trồng khô (lúa mì, bắp, cao lương…), lịch trồng trọt và thu hoạch ít phụ thuộc vào trăng hay theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông (lý giải này có hơi khiên cưởng – QM) giống như của người Việt. Vã lại tiết trời vào thời điểm tháng tám tại Trung Hoa bắt đầu lạnh. Những điều kiện như vậy không góp phần hình thành nên một lễ hội chơi theo trăng… Như vậy kết hợp cái nhìn tổng hợp của khảo cổ học, cơ sở văn hóa, ca dao dân ca và chính ghi chép của người Trung Hoa cho thấy rằng hội rằm trung thu là một sinh hoạt văn hóa của người Việt dựa trên nền văn minh lúa nước.

Vì không có ý (và cũng không đủ tài năng) khảo cứu sâu về nguồn gốc tết Trung Thu nên bài viết này sẽ tạm dừng phần này ở đây để bạn đọc tùy nghi nghiên cứu và kết luận. Chúng ta hãy chuyển sang các lĩnh vực lý thú hơn của ngày Tết độc đáo này trong tinh thần thuần Việt.

Điều chúng ta có thể xác quyết là Tết Trung Thu của người Việt, đầu tiên vốn là thú vui của người lớn, đặc biệt là nông dân. Người ta sắm sửa thức ăn, thức uống, bày biện cổ bàn trước hết cúng tạ Trời Phật, Thần Tiên sau một vụ mùa vừa thu hoạch (ở đây có lẽ cần luận thêm rằng, nói cúng tạ ơn sau một vụ mùa bội thu là không hoàn toàn chính xác, bởi theo truyền thống tri ân và báo ân của người Việt, thì cho dù được mùa hay mất mùa, việc cúng bái cũng sẽ được thực hiện kỷ lưỡng với một niềm thành kính, không những để tạ ơn Phật Trời, Thần Linh, Tổ Tiên đã trợ giúp cho vụ mùa vừa thu hoạch được, mà còn cầu mong được mưa thuận gió hòa, không phát sinh dịch bệnh cho vụ mùa tiếp theo).

Trở lại với Tết Trung Thu, sau các nghi thức cúng bái lễ tạ thì gia đình, xóm làng tổ chức ăn tiệc, uống rượu hay uống trà thưởng nguyệt (ngắm trăng) vào đêm rằm, ban ngày thì bày các trò vui bình dân cổ truyền để vui chơi giải trí. Dần dà, do ý thức và cũng là một nét truyền thống đặc trưng của người Việt là yêu trẻ, dịp trung thu người lớn chuẩn bị mâm cổ riêng với nhều loại bánh và trái cây phù hợp, được trẻ con yêu thích để khi đám trẻ tụ họp với nhau ca hát, rước đèn (những chiếc “lồng đèn trung thu” được cha mẹ hay anh chị, ông bà tỉ mẫn làm cho) về đến là cả nhà tập trung “phá cỗ” vào lúc mặt trăng lên cao nhất.

Về sau, Tết Trung Thu mặc nhiên trở thành ngày tết đặc biệt của trẻ em với các tên gọi quen thuộc: Tết Nhi Đồng; Tết Thiếu Nhi nhưng vẫn còn được người lớn “ăn theo”. Do vậy, phong tục Tết Trung Thu của Việt Nam chúng ta vẫn xen lẫn những trò vui trẻ con và thú vui người lớn.

Đặc biệt nhất của Tết Trung Thu là phải có đèn Trung Thu; bánh Trung Thu và múa lân Trung Thu…

 

 

 

ĐÈN TRUNG THU:

Lồng đèn trung thu được chế tạo cho trẻ em với thiên hình vạn trạng, sặc sở muôn màu muôn vẽ… Đèn lồng, đèn xếp với đủ loại hình thù: mặt trăng; ông sao; các nhân vật cổ tích; các con giống; các loại thú – có lẽ nhiều nhất là đèn cá chép và con thỏ (theo cổ tích)…

Một trong những loại đèn trung thu có giá trị và thực hiện công phu mà người lớn cũng dùng để trang trí nhà cửa không chỉ dịp Tết Trung Thu là đèn kéo quân, loại đèn trước đây có hình quan quân, tướng sĩ quay quanh trục đèn, còn bây giờ thì đã chế tác ra nhiều hình ảnh khác nữa.

Những ngày gần đến tết, trẻ em đã được cho thắp đèn chơi ở nhà hoặc bên nhà hàng xóm. Một hai đêm trước và đúng đêm rằm tháng tám, các em tụ họp nhau đi rước đèn Trung Thu. Đám trẻ tay cầm hay xách những chiếc đèn trung thu được thắp sáng bằng nến (đèn sáp, đèn cầy) tung tăng từng đoàn khắp xóm làng, ngõ phố, vừa đi vừa ca hát, nô đùa vô cùng hân hoan náo nhiệt.

Có giải thích rằng đèn trung thu đầu tiên tại Việt Nam xuất xứ ở Hội An – Trung Việt thời xưa – khoảng thế kỷ XVI hay XVII, khi người Trung Hoa di dân sang lập nghiệp đông đúc tại thành phố này. Đèn trung thu Hội An thay vì dán giấy thì được bọc bằng loại lụa Hà Đông, ánh sáng đẹp và lung linh, huyền ảo hơn.

Ngoài lồng đèn trung thu, trong dịp này các em còn được người lớn yêu chiều mua sắm cho một vài thứ “đồ chơi trung thu” khác mà ngày thường ít khi có được: Đặc trưng nhất là ông Tiến Sĩ Giấy (một thứ đồ chơi bằng giấy làm thành người đàn ông, dáng vẻ… học thức. Sau này, chữ “tiến sĩ giấy” dùng ám chỉ những kẻ hay “lòe” người khác, tự cho mình là trí thức nhưng thực tế là “ruột rổng”, dốt nát); các loại đồ chơi làm bằng giấy bồi, đất sét hoặc bột được tô màu lòe loẹt có hình dạng hoa quả, đình chùa, người ngựa; các loại con giống (thú vật) – thường được ưa chuộng là con thiềm thừ (cóc) cử động được; mặt nạ bằng giấy với diện mạo những nhân vật trong các tích truyện nổi tiếng; các thứ trống bỏi, chong chóng, cung kiếm v.v… và v.v…

 

Bánh ngon và đặc biệt nhất trong dịp tết Trung Thu dĩ nhiên phải là… bánh trung thu.

Bánh trung thu ban đầu hình tròn như mặt trăng, được gọi là bánh “đoàn viên” vì là bánh cho cả gia đình ăn khi đoàn tụ ngắm trăng. Ngày nay, bánh trung thu gồm hai loại chính: Bánh dẻo có vỏ làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, hạt sen, vỏ cam v.v… Bánh dẻo hương vị ngọt và thơm. Bánh nướng có vỏ là bột mì, nhân thập cẩm, lòng đỏ trứng muối, thịt heo, lạp xưởng, hạt dưa v.v… Bánh nướng hương vị mặn mà. Bánh dẻo thường có màu trắng và hình tròn, được cho là tượng trưng cho mặt trăng. Bánh nướng thường có màu vàng sẫm và hình vuông được cho là tượng trưng cho mặt đất hoặc hình tròn có khía tượng trưng cho mặt trời.

Giả thuyết hiện nay cho là bánh trung thu có thể bắt nguồn từ thời Trung Hoa bị người Mông Cổ xâm nhập. Truyền thuyết lưu truyền rằng do bị người Nguyên cai trị, người Trung Hoa âm mưu nổi dậy, hẹn định khởi nghĩa vào một ngày rằm tháng 8. Để tập hợp các lực lượng, một trong những người cầm đầu là Lưu Bá Ôn đã cho bán một loại bánh, trong ruột bánh có mảnh giấy ghi “đêm rằm tháng tám khởi nghĩa” như là một cách truyền tin. Nhờ vậy người dân nhất loạt hưởng ứng và đã lật đổ đươc thể chế cai trị hà khắc của người Mông Cổ. Từ đó, Trung Hoa có tục lệ mỗi năm tụ họp gia đình, ăn bánh vào ngày rằm tháng tám để kỷ niệm.

Hiện nay tại nhiều quốc gia Âu, Mỹ người ta cũng đã biết và thưởng thức loại bánh đặc biệt này với một kiểu gọi tên tuy không chính xác (là trung thu) nhưng đã trở thành quen thuộc: Moon cake – Bánh mặt trăng.

 

 

MÚA LÂN TRUNG THU:

Trung Thu có nhiều trò vui cho trẻ em nhưng vui nhộn và hấp dẫn nhất vẫn là múa lân (hay múa sư tử). Đây là sinh hoạt nhộn nhịp mà ở đâu chúng ta cũng bắt gặp trong dịp Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán.

Lân là một trong Tứ Linh (bốn con vật quý) Long (rồng); Lân (kỳ lân); Quy (rùa); Phụng (chim phượng hoàng). Tuy tôi và các bạn chưa hề được thấy con kỳ lân thật “mặt mũi” ra sao, nhưng người ta còn phân biệt kỳ lân làm 2 giống với KỲ là con đực và LÂN là con cái(?). theo mô tả, đầu lân có một cái sừng rất to và trông thoáng qua hơi giống đầu sư tử nên trước đây miền Bắc Việt Nam chúng ta gọi là múa sư tử. Thật ra múa sư tử thì người múa đội chiếc đầu sư tử và cũng có dải vải làm thân và đuôi sư tử (ngắn, dài tùy ý) như múa lân.

Đám múa lân, phần chính là “con” lân, có một người đội (thật ra là phải cầm bằng hai tay) chiếc đầu lân thật to bằng giấy bồi, màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Thân và đuôi lân là một dải vải nhiều màu sắc, rộng và khá dài do những người khác chia nhau cầm giữ từng khúc che trên đầu và phần lưng (người cầm) để múa theo đầu lân theo nhịp trống và thanh la, não bạt (chập cheng). Nhân vật phụ trợ nhưng quan trong không kém là “ông Địa” do một người đeo mặt nạ hóa trang. Chiếc mặt nạ ông Địa nếu thật sự ấn tượng thì cũng là một tác phẩm nghệ thuật như cái đầu lân. Với cái đầu tròn và bóng loáng, ông Địa có khuôn mặt tròn xoe như mặt trăng cười toe toét với các chi tiết vẽ mắt, mũi, tai, miệng rất hoạt kê, cái bụng phệ rất bự dấu trong tà áo dài thắt dây lưng ngoài, tay không ngừng phe phẩy hoặc vẫy chiếc quạt cũng quá khổ luôn lăng xăng trêu đùa, làm những động tác ngộ nghỉnh, hài hước. Đây là nhân vật mà các em nhỏ vừa thích thú – có khi còn thích hơn xem lân múa – chạy theo trêu chọc nhưng cũng vừa e dè, sợ sệt. Hiện nay, nhiều đám múa lân còn tăng cường thêm những nhân vật hóa trang theo các tích truyện nổi tiếng, đa số là các nhân vật Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng trong Tây Du Ký. Một thành phần nữa trong đám múa lân là những người đi theo lân để đánh trống, thanh la, não bạt… Những người này có thể cũng cải trang, cầm cờ xí nhiều màu, cầm đao, côn, kiếm… hoặc hoàn toàn không hóa trang.

Múa lân cho đến nay đã trở thành một loại hình sinh hoạt dân gian nghệ thuật khéo léo, đòi người múa có kỷ năng cao. Trong tiếng trống thì thùng, tiếng não bạt chập cheng, trước đây khi chưa bị cấm, còn có tiếng pháo đì đùng của các nhà đón lân vào múa và đì đẹt tiếng pháo tiểu của trẻ con đi theo đám múa thỉnh thoảng đốt chơi, hòa quyện với tiếng nói cười rộn rã của đám đông kéo theo… Đám múa lân qua đến đâu là huyên náo cả một vùng, tạo nên một không khí vô cùng hào hứng, phấn chấn. Lân qua nhà nào có ý định đón vào múa, chủ nhà đã gói sẵn tiền, cột treo ở một nơi cao và khó lấy nhất. Lân dừng lại, vào nhà làm các “thủ tục” vái lạy từ đường, chào gia đình theo hiệu trống và biểu diễn màn múa ngoạn mục trước khi tìm cách trèo lên cao lấy tiền thưởng. Những người trong đám múa lân lúc này sẽ khéo léo đứng chồng lên nhau, tạo thành chiếc thang người, lân vừa múa vừa leo lên cao dần “táp” lấy tiền thưởng rồi xuống múa lạy tạ chủ nhà lần chót trước khi tạm biệt đi ra cổng qua nhà khác…

 

MÂM CỖ TRUNG THU (Cỗ trông trăng):

Ngày Tết Trung Thu, người ta thường bày cỗ với nhiều món trái cây tươi và các loại bánh đặc trưng, nhưng theo quan niệm dân gian Việt Nam, cho dù muốn bày biện loại trái cây gì thì cũng nên có quả xanh, quả chín. Bởi trái màu xanh mang tính âm, trái chín mang tính dương, tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ. Với người xưa, Trung Thu là dịp cả nhà sum vầy thưởng trăng, “phá” cổ. Đây cũng là thời điểm dự báo cho vụ mùa sắp tới, nên mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên luôn đậm hương sắc mùa thu chín, như là tấm lòng con cháu cầu sự may mắn và thịnh vượng cho mùa sau.

Còn mâm cỗ Trung Thu (còn gọi là cỗ trông trăng) thường được xếp các hình thú vật, thông thường nhất là một con chó được xếp bằng tép bưởi, gắn 2 hạt đậu đen làm mắt; hình bầy heo con múp míp vây quanh bên heo mẹ; hình cá chép từ hình dạng mấy loại bánh chay, bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm… Chung quanh bày nhiều loại hoa quả. Một mâm cỗ Trung thu đầy đủ luôn gồm cả bưởi xanh phớt vàng, mãng cầu xanh màu men sứ, hồng đỏ bóng, hồng ngâm xanh, mía tím, chuối tiêu vàng chen lẫn ổi, cam, dưa hấu và các thứ hoa trái khác tùy sáng kiến, sở thích và điều kiện tiền bạc từng nhà… Người ta gởi gắm trong mâm cỗ đó sự mong cầu tượng trưng qua từng loại trái.

Trước đây, thời trẻ con còn thịnh hành chơi đồ chơi bằng giấy và “con giống”, chính giữa, trên chổ cao nhất của mâm cổ trông trăng thường nghễu nghện một ông “Tiến Sỹ Giấy” lung lay trước gió. Và phải kể một thứ thức ăn không thể thiếu vào dịp Trung Thu xưa tại miền Bắc Việt Nam mà ngày nay những ai xa quê cũng đành cho đó là món hàng “quý hiếm”: Loại cốm dẻo thơm ngon được làm từ mầm lúa mới, và ngon nhất, nỗi tiếng nhất phải là “cốm làng Vòng”.

Khi trăng lên tới đỉnh đầu là lúc trẻ em đi rước đèn Trung Thu trở về, cả nhà quân quần hạ mâm cổ xuống, cùng thưởng thức hương vị Tết Trung Thu, giây phút ấy gọi là “phá cỗ”. Lúc bấy giờ, những hạt bưởi trước đó vài tuần đã chuẩn bị sẵn, bóc lớp vỏ áo rồi xâu vào các sợi dây thép (dây kẽm, dây chì) đem phơi khô, giờ được đám trẻ đem ra đốt cháy lên, tuy không sáng là bao nhưng mùi thơm sực nức cả nhà. Niềm vui đêm Trung Thu thời bấy giờ chỉ bình dị như vậy mà sao ngọt ngào đến vậy…

Sưu tầm – Biên tập: QUANG MAI

Nhà phân phối bánh trung thu Kinh Đô chiết khấu cao nhất, Giao hàng tận nơi, xuất hóa đơn nhanh. Liên hệ: 0943.821177

Bảng giá bánh trung thu Kinh Đô 2015